Giá gạo vẫn tăng những ngày qua, có khi thay đổi 3-4 lần trong ngày. Chủ đại lý tại TPHCM còn chia sẻ trong 10 năm bán gạo chưa bao giờ thấy giá tăng chóng mặt như vậy.
Sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng giá mạnh từng ngày. Chỉ trong vòng nửa tháng, giá đã tăng đến gần 100 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, những ngày qua, giá lúa có xu hướng tăng cao từng ngày. Giá lúa ngày theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang ngày 8/8, lúa IR 50404 giá 7.100-7.300 đồng/kg lúa tươi, tăng 100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.400-7.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo tại một số địa phương như An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, ở Hậu Giang, giá gạo Jasmine ở mức 16.000 đồng/kg, tăng 1000 đồng/kg; gạo thơm là 14.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; gạo thường cũng tăng 100 đồng/kg, lên mức 13.000 đồng/kg.
Hơn 10 năm bán gạo, đại diện đại lý Gạo Đồng Xanh (quận 12, TPHCM) cho biết chưa bao giờ thấy giá gạo tăng “chóng mặt” đến vậy. Giá gạo liên tục tăng cao trong hai tuần trở lại đây, thay đổi theo từng giờ, một số mặt hàng gạo đã tăng giá 20-35% so với một tháng trước. “Hai tuần nay, một ngày giá gạo có thể thay đổi 3-4 lần, sáng tăng giá chiều lại tăng giá”, đại diện đại lý trên cho biết.
Việc giá gạo liên tục biến đổi khiến tiểu thương gặp khó khi bán hàng, đại lý không thể liên tục cập nhật giá mới theo giờ cho khách. Mặc dù thị trường tăng giá buộc đại lý cũng phải tăng theo, tuy nhiên cũng cần phải có độ trễ, nếu đại lý tăng giá liên tục khách hàng sẽ phản ứng.
Tại nhiều đại lý gạo khác tại TPHCM, giá gạo bán lẻ đã tăng mạnh trong một tuần trở lại đây.
Các loại gạo phổ biến thông thường như Thơm Thái, Thơm Mỹ, Lài Sữa, Đài Loan… đều đã tăng 2.000-5.000 đồng/kg. Gạo Thơm Thái tăng từ 13.500 đồng/kg lên hơn 17.500-18.000 đồng/kg, gạo Đài Loan tăng từ 17.000 lên hơn 20.000 đồng/kg… Các loại gạo đặc sản như ST24, ST25… cũng duy trì đà tăng 1.000-3.000 đồng/kg.
Khảo sát tại nhiều đại lý gạo tại Hà Nội cũng cho thấy giá gạo bán lẻ đã tăng vài lần trong một tuần trở lại đây.
Chị Thu Loan, chủ một đại lý gạo tại phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết giá gạo bán lẻ đã tăng 1.000-2.000 đồng/kg tùy loại. Những loại gạo phổ biến nhất tại đại lý như gạo Bắc Hương cũng tăng từ 16.000 đồng lên 17.000 đồng/kg và bây giờ là hơn 18.000 đồng/kg.
Tại các hệ thống siêu thị tại Hà Nội, giá gạo vẫn được giữ ổn định. Cụ thể, gạo 5% tấm có chung mức giá 14.500 đồng/kg, gạo Japonica giá dao động 27.000-30.000 đồng/kg tùy nhà cung cấp và hình thức đóng gói. Các loại gạo thơm ST25 giữ ở mức 33.000 đồng/kg.
Giá gạo bán lẻ tăng cao cũng khiến người tiêu dùng lo lắng. Bà Phượng (Linh Đàm, Hà Nội) nói: “Mới có mấy ngày mà giá gạo tăng cao quá. Chẳng biết còn tăng đến khi nào nên thay vì mua 1 yến như mọi khi thì lần này tôi tranh thủ mua luôn 2 yến”.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 4/8 vừa qua, gạo xuất khẩu loại 5% tấm Việt Nam có giá 618 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn, cả hai loại gạo này đều tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày 3/8. Trong khi đó, gạo 5% tấm Thái Lan đứng ở mức 625 USD/tấn (không tăng).
Ước tính, đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình giá gạo tăng cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây có Chỉ thị yêu cầu phát huy lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm.
Đồng thời, Bộ này cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa gạo trong năm để cân đối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để đảm bảo an ninh lương thực, tận dụng cơ hội xuất khẩu và tránh đầu cơ, trục lợi, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ ngành liên quan kiểm tra, giám sát kinh doanh xuất khẩu gạo. Các bộ theo dõi thị trường thương mại gạo thế giới, động thái các nước sản xuất, xuất khẩu để chủ động điều tiết sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.